Táo bón là một trong những vấn đề sức khoẻ phổ biến nhất, xảy ra ở nhiều đối tượng từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi.
Táo bón là tình trạng đi đại tiện khó khăn. Thông thường, người mắc bệnh táo bón nhiều ngày mới đi một lần, mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều, phải vận dụng nhiều cơ thành bụng và cơ hoành để tống phân ra ngoài.
Phân rắn thành cục, mật độ cứng có thể dính theo máu tươi do cọ xát vào niêm mạc hậu môn, có khi dính theo những chất nhầy của đại tràng, trực tràng.
Ai cũng có nguy cơ mắc táo bón. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc táo bón tăng theo tuổi với 30-40% của những người trên 65 tuổi.
Một số nguyên nhân gây táo bón thường gặp
Táo bón do hẹp lòng đại tràng
Ở đây táo bón chỉ là hậu quả của một bệnh lý khác như: khối u đại trực tràng, bệnh lý viêm gây hẹp đại trực tràng, bệnh phình đại trực tràng bẩm sinh… Do đó cần chẩn đoán và xử lý nguyên nhân bệnh mới hết được.
Táo bón chức năng
Chiếm khoảng 50% các trường hợp táo bón. Nguyên nhân chính là do: chế độ ăn không hợp lý (thiếu nước, thiếu chất xơ…), ít vận động, mất phản xạ đại tiện (do thường xuyên nhịn đại tiện), stress tâm lý…
Táo bón do chậm lưu thông đại tràng
Trong trường hợp này đại tràng nhu động rất yếu hoặc không nhu động làm cho phân ứ đọng ở đại tràng gây táo bón.
Bệnh táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị mới hiệu quả – Ảnh 2.
Chế độ ăn thiếu chất xơ là một trong những nguyên nhân gây táo bón chức năng.
Nguyên nhân do rối loạn chức năng vùng hậu môn – trực tràng như: giảm cảm giác trực tràng (phân xuống trực tràng nhưng bệnh nhân không có cảm giác buồn đại tiện); Áp lực trực tràng thấp (không đủ để tống phân ra ngoài); Bất đồng vận trực tràng – hậu môn (hậu môn thắt chặt khi đại tiện làm cho phân không tống ra ngoài được).
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, người bệnh cần được hỏi bệnh và thăm khám tỉ mỉ kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên khoa như: Nội soi đại trực tràng loại trừ u cục (nếu cần); Đo thời gian lưu thông đại tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng, đo đánh giá cảm giác trực tràng; Chụp cộng hưởng từ sàn chậu; Xét nghiệm máu.
Táo bón gây hậu quả gì?
Táo bón ảnh hưởng xấu lên cơ thể, nhất là tình trạng táo bón kéo dài sẽ gây ra các thương tổn vùng hậu môn- trực tràng, hay tích tụ những chất độc hại, gây biến chứng toàn thân, tiềm ẩn những nguy hiểm về sức khỏe thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Táo bón là nguyên nhân quan trọng gây là nhiều bệnh lý vùng hậu môn trực tràng như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, rối loạn toàn thân, ung thư trực tràng.
Bệnh trĩ
Táo bón kéo dài đa số sẽ gây ra bệnh trĩ do hiện tượng tăng áp lực ổ bụng khi gắng sức rặn đi ngoài làm cho các búi trĩ càng ngày càng to ra. Mỗi lần đi ngoài thường có máu kèm theo phân.
Nứt kẽ hậu môn
Khi khối phân rắn và lớn đi qua hậu môn sẽ gây tổn thương niêm mạc ống hậu môn trực tràng tạo thành một vết rách rất khó liền gọi là vết nứt hậu môn. Bệnh nhân có biểu hiện đại tiện ra máu đỏ tươi, đặc biệt là rất đau đớn sau mỗi lần đi cầu. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhịn đại tiện vì sợ đau.
Bệnh táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị mới hiệu quả – Ảnh 4.
Hình ảnh mô tả nứt kẽ hậu môn.
Sa trực tràng
Do liên tục phải gắng sức rặn khi đi ngoài sẽ làm cho áp lực trong ổ bụng tăng lên rất nhiều, khiến phần niêm mạc trực tràng (trực tràng là đoạn cuối của ruột già ngay phía trên hậu môn), hoặc thậm chí là toàn bộ thành trực tràng sa ra ngoài qua ống hậu môn.
Rối loạn toàn thân
Táo bón kéo dài có thể gây nhiều rối loạn toàn thân như: Chứng sợ ăn, suy kiệt, nhiễm độc mạn, mụn, trứng cá. Táo bón còn làm tăng biến chứng ở những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính đi kèm như: bệnh nhân tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Ung thư đại trực tràng
Táo bón mạn tính được cho là một yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng đã được chứng minh. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người bị táo bón mạn tính có tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn người không bị táo bón đến 1,6 lần, đồng thời tỉ lệ mắc khối u lành tính cũng cao hơn 2,6 lần.
Các phương pháp điều trị táo bón
Nguyên tắc điều trị táo bón
Về nguyên tắc điều trị, táo bón cần được chẩn đoán rõ nguyên nhân trước khi điều trị. Đặc biệt là táo bón gây ra do khối u đại – trực tràng. Nếu không sẽ không khỏi bệnh, thậm chí là nguy hiểm cho người bệnh.
Việc lạm dụng các thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, thuốc thụt tháo không đúng chỉ định và kéo dài sẽ gây tổn thương ruột, rất khó điều trị về lâu dài.
Táo bón chức năng: Đây là dạng táo bón thường gặp nhất. Phương pháp điều trị bao gồm: Có chế độ ăn phù hợp cân đối, cung cấp đủ nước. Vận động thường xuyên. Tập thói quen đại tiện hàng ngày theo một khung giờ nhất định. Loại bỏ các đồ ăn, thuốc, yếu tố tâm lý có thể gây táo bón.
Táo bón do chậm lưu thông đại tràng: Thông thường táo bón do nguyên nhân này được chẩn đoán qua đo thời gian lưu thông đại tràng. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng một số nhóm thuốc kích thích thụ thể 5HT4, nhóm Tegasterod (Zelmac). Các biện pháp kích thích thần kinh, kích thích đại tràng bằng điện cực để tạo lại nhu động ruột là các phương pháp mới, cho kết quả tốt, nhưng phải được thực hiện bởi thầy thuốc chuyên khoa.
Táo bón do rối loạn chức năng trực tràng – ống hậu môn (táo bón đoạn xa): Đây là dạng phức tạp nhất. Việc điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp cận lâm sàng như: đo thời gian lưu thông đại tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng, đo cảm giác trực tràng để chẩn đoán. Phương pháp điều trị ngoài chế độ ăn và thuốc cần phối hợp với các liệu pháp phục hồi chức năng như: kích thích điện trực tràng, tập phản hồi sinh học hậu môn – trực tràng…
Phòng bệnh táo bón
Để phòng bệnh táo bón, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Thực hiện chế độ ăn uống tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, các loại rau xanh và trái cây tươi. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo. Không lạm dụng rượu, cà phê, trà đặc…
– Uống đủ nước, một người trưởng thành cần uống trung bình 2l nước/ngày.
– Thường xuyên vận động, rèn luyện thể lực. Mỗi ngày cần vận động thể lực với cường độ tối thiểu phải tương đương 30 phút đi bộ. Không nên ngồi nhiều.
– Không nên nhịn đại tiện. Tập thói quen đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định.
– Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không lạm dụng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón.
Hãy đến BVLanQ để được khám điều trị về các bệnh bằng đông y!